Bài tuyên truyền về việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Đăng lúc: 07:55:58 19/05/2025 (GMT+7)

 

Bài tuyên truyền về việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết

 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

         

 

Kính thưa: Các đồng chí cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân.

 

Thực hiện Kế hoạch số 05/ KH-UBDTSĐBSHP ngày 05/5/2025 của Quốc hội khoá XV về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết  sửa đổi, bổ sung một số điều của  Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ gnhiax Việt nam  năm 2013.

Để đảm bảo triển khai đầy đủ, có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, vận động được đông đảo quần chúng, nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; phát huy vai trò gương mẫu trong xây dựng văn bản pháp luật.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã bắt đầu từ ngày 6/5 và sẽ kéo dài đến ngày 23/5/2025. Đây là một sự kiện chính trị sâu rộng của toàn xã hội, không chỉ để hoàn thiện nền tảng pháp lý tối cao của đất nước mà còn là dịp để mỗi người dân thể hiện đầy đủ và sâu sắc quyền làm chủ của mình.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào hai nhóm quy định: một là về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; hai là về tổ chức chính quyền địa phương. Dù phạm vi điều chỉnh không nhiều về số lượng điều khoản nhưng đều là những nội dung có ý nghĩa sâu rộng, tác động trực tiếp tới người dân và mô hình vận hành bộ máy chính quyền các cấp.

Hơn nữa, trong bất kỳ bản Hiến pháp tiến bộ nào, quyền tham gia của người dân luôn là điều kiện tiên quyết. Không ai hiểu rõ thực tiễn hơn chính người dân - những người đang sống, làm việc, cống hiến ở mọi vùng, miền. Ví dụ, sửa đổi các điều về tổ chức đơn vị hành chính, về chính quyền địa phương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu, tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của bộ máy ở nơi người dân đang sinh sống. Vì thế, người dân không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia góp ý, phản biện để Hiến pháp thực sự phản ánh đúng và trúng yêu cầu của cuộc sống.

Lịch sử cho thấy, mỗi lần lấy ý kiến toàn dân về Hiến pháp, tinh thần dân chủ đều được khơi dậy mạnh mẽ. Nhưng để điều đó thật sự hiệu quả, không thể thiếu vai trò chủ động của chính người dân. Góp ý Hiến pháp không phải là “việc riêng” của các chuyên gia, luật gia hay cơ quan lập pháp. Mỗi ý kiến đóng góp từ mỗi người dân đều là những viên gạch quý dựng xây nền móng vững chắc của Nhà nước pháp quyền.

Câu hỏi đặt ra là, làm sao để người dân thực sự thấy mình có vai trò? Làm sao để việc góp ý kiến không trở thành hình thức? Trách nhiệm trước hết là từ phía các cơ quan tổ chức lấy ý kiến, phải đáp ứng các yêu cầu mà Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã nêu ra. Theo đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm. Phải tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân tham gia góp ý, trong đó, cần khuyến khích nhiều kênh tiếp cận: qua báo chí, mạng xã hội, các hội nghị chuyên đề, diễn đàn cộng đồng, nhóm hội đồng hương, hội nông dân, công đoàn cơ sở, trường học, doanh nghiệp…

Bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, trách nhiệm lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc, giải trình minh bạch chính là yêu cầu cấp thiết. Người dân cần được biết ý kiến mình đi đâu, có được xem xét không, nếu không tiếp thu thì vì sao. Từng ý kiến, dù là của ai, thuộc tầng lớp nào, vị trí công tác ra sao... đều cần được tôn trọng, sàng lọc và phản hồi. Có như vậy, việc lấy ý kiến mới thực chất, theo đó lòng tin vào Nhà nước pháp quyền sẽ ngày càng được củng cố.

Việc lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp không chỉ là một thủ tục pháp lý bắt buộc, mà còn là biểu hiện sống động của dân chủ xã hội chủ nghĩa, nơi người dân không chỉ “được biết” mà còn “được bàn”, “được tham gia” xây dựng khung pháp lý tối cao của đất nước. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân hãy phát huy cao nhất trách nhiệm công dân, thể hiện quyền và thực hiện nghĩa vụ của mình, để cùng xây dựng một bản Hiến pháp phản ánh đúng thực tiễn, đón đầu tương lai, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu./.

UBND xã hướng dẫn nhân dân thực hiện góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 bằng nhiều hình thức như hội nghị thôn  hoặc có thể góp ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ trên nhóm zalo cộng đồng thôn, hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân và trên ứng dụng VneID như sau:

Bước 1: Người dân thực hiện đăng nhập ứng dụng VNeID.

Bước 2: Người dân thực hiện truy cập vào “Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID”.

Bước 3: Người dân chọn đọc Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013.

Bước 4: Chọn Đọc và (hoặc) gửi góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013

Bước 5: Chọn vào nội dung muốn góp ý và chọn "Gửi" để góp ý sửa Hiến pháp.

Trên đây là bài tuyên truyền về việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và hướng dẫn một số hình thức tham gia lấy ý kiến kính đề nghị cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân quan tâm, thực hiện quyền của mình./.

 

 

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
258184